#016 | Các nguyên tắc điều chỉnh thực hiện hợp đồng

09/24/2021

Tình tiết sự kiện:

Công ty Việt Nam (Nguyên đơn - Bên mua) ký 03 hợp đồng mua bán hạt điều khô chưa bóc vỏ với Công ty Singapore (Bị đơn - Bên bán). Liên quan đến hợp đồng số 004 có 772 bao hàng bị hư hỏng nặng, mọc mầm. Về hướng giải quyết hệ quả của hàng hóa không đúng hợp đồng, Hội đồng Trọng tài đã cho rằng một bên vi phạm các nguyên tắc thực hiện hợp đồng.

Bài học kinh nghiệm:

Sau khi hợp đồng được giao kết, các bên phải tiến hành thực hiện hợp đồng. Việc thực hiện hợp đồng này phải tuân thủ những nguyên tắc nào?

Trong vụ việc nêu trên, Hội đồng Trọng tài xác định “đối với Hợp đồng số 004, việc Bị đơn không ký vào chứng từ do Công ty giám định V lập ở cảng dỡ hàng là một biểu hiện thiếu thiện chí trong việc thực hiện hợp đồng”. Điều đó có nghĩa là, theo Hội đồng Trọng tài, trong việc thực hiện hợp đồng, các Bên phải “thiện chí” nên “việc Bị đơn không ký vào chứng từ do Công ty giám định V lập ở cảng dỡ hàng là một biểu hiện thiếu thiện chí”. Thực ra, nguyên tắc thiện chí đã được ghi nhận một cách minh thị tại Điều 6 Bộ luật dân sự năm 2005, khoản 3 Điều 3 Bộ luật dân sự năm 2015 theo đó “trong quan hệ dân sự, các bên phải thiện chí, trung thực trong việc xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự, không bên nào được lừa dối bên nào”, “cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực”. Quy định vừa nêu áp dụng cho xác lập, chấm dứt cũng như “thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự” nên được áp dụng cho “thực hiện hợp đồng” như Hội đồng đã nhận xét.

Vẫn trong vụ việc trên, Hội đồng Trọng tài còn xét rằng “việc giao hàng của Bị đơn đối với các hợp đồng trước cũng đã xảy ra tình trạng kém phẩm chất tương tự. Trong các lô hàng trước, Nguyên đơn cũng đã có thiện chí khi vẫn nhận hàng. Lẽ ra, Bị đơn phải nghiêm túc rút kinh nghiệm từ việc giao hàng kém phẩm chất ở các lô hàng trước. Tuy nhiên, Bị đơn không những không sửa chữa các sai sót trước đó mà vẫn tiếp tục giao hàng kém phẩm chất là vi phạm nguyên tắc thực hiện hợp đồng được quy định tại khoản 2 Điều 412 của Bộ luật dân sự năm 2005”. Ở đây, Hội đồng Trọng tài theo hướng Bên bán đã vi phạm các nguyên tắc thực hiện tại khoản 2 Điều 412 Bộ luật dân sự năm 2005 và điều đó có nghĩa là việc thực hiện hợp đồng phải tuân thủ theo các nguyên tắc tại điều khoản trên: “Việc thực hiện hợp đồng phải tuân theo các nguyên tắc sau đây: Thực hiện một cách trung thực, theo tinh thần hợp tác và có lợi nhất cho các bên, bảo đảm tin cậy lẫn nhau” (quy định này không còn được giữ lại trong Bộ luật dân sự năm 2015 vì khoản 3 Điều 3 nêu trên đã đủ).

Các nội dung trong hợp đồng phải được các bên thực hiện. Tuy nhiên, từ vụ việc trên, doanh nghiệp biết rằng quá trình thực hiện có một số nguyên tắc cần phải tuân thủ bên cạnh các quy định cụ thể trong hợp đồng. Đây là những nguyên tắc bao trùm toàn bộ giai đoạn thực hiện hợp đồng mà các bên phải tuân thủ, nhất là nguyên tắc thiện chí, trung thực, hợp tác.

  *Tuyên bố bảo lưu: Bài viết được đăng tải với mục tiêu cung cấp thông tin có giá trị tham khảo đối với các Trọng tài viên, các bên tranh chấp, những người tham gia tố tụng trọng tài cũng như những người đang nghiên cứu và tìm hiểu về phương thức trọng tài thương mại và không có bất kỳ mối liên hệ hay có mục đích nhằm thể hiện ý kiến, quan điểm của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC). Mọi sự dẫn chiếu, trích dẫn từ bên thứ ba bất kỳ đến một phần hoặc toàn bộ nội dung tại bài viết này đều không có giá trị và không được VIAC thừa nhận. 

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI